Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 31/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có (gọi là
nợ) trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thời điểm, trình tự phân loại nợ
Thông tư quy
định rõ thời điểm, trình tự phân loại nợ của ngân hàng thương mại, tổ chức tín
dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Ít nhất mỗi
tháng một lần, trong 07 ngày đầu tiên của tháng, ngân hàng, tổ chức tín dụng
phi ngân hàng căn cứ quy định để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng
đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề theo kết quả tự phân
loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng
cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Ngoài thời
điểm phân loại nêu trên, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng được tự thực
hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.
Trong thời hạn
03 ngày kể từ ngày nhận được kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của
ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, CIC tổng hợp danh sách khách hàng
theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi
ngân hàng đã tự phân loại và cung cấp cho ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân
hàng.
Trong thời hạn
03 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp theo quy
định, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng điều chỉnh nhóm nợ theo nhóm nợ
của danh sách khách hàng do CIC cung cấp.
Trường hợp kết
quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng thấp hơn nhóm nợ theo
danh sách khách hàng do CIC cung cấp, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng
phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ của khách
hàng do CIC cung cấp.
Căn cứ kết quả
kiểm tra, thanh tra, giám sát và thông tin tín dụng có liên quan, Ngân hàng Nhà
nước có quyền yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện việc
đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể phù hợp với mức độ rủi ro của các
khoản nợ đó.
Nguyên tắc tự phân loại nợ
Bên cạnh đó,
Thông tư cũng quy định rõ nguyên tắc tự phân loại nợ. Theo đó, toàn bộ dư nợ và
số dư cam kết ngoại bảng của một khách hàng tại một ngân hàng, tổ chức tín dụng
phi ngân hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ và là nhóm nợ có mức độ
rủi ro cao nhất trong các nhóm nợ của các khoản nợ và/hoặc cam kết ngoại bảng
của khách hàng đó.
Đối với khoản
cấp tín dụng hợp vốn, từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
tham gia cấp tín dụng hợp vốn có trách nhiệm thông báo cho ngân hàng, tổ chức
tín dụng phi ngân hàng là thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn về kết quả
tự phân loại nợ theo quy định.
Đối với khoản
ủy thác cấp tín dụng (trừ khoản ủy thác phát hành thư tín dụng), khoản ủy thác
mua trái phiếu chưa niêm yết mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân hết số tiền đã
ủy thác theo hợp đồng ủy thác, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng ủy
thác phải phân loại số tiền đã ủy thác nhưng chưa giải ngân như là một khoản
cho vay đối với bên nhận ủy thác. Thời gian quá hạn được xác định từ thời điểm
bên nhận ủy thác không giải ngân đúng theo thời hạn giải ngân quy định tại hợp
đồng ủy thác.
Đối với khoản
nợ đã bán (trừ khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro) nhưng chưa
thu được đầy đủ tiền bán nợ thì ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng bán
nợ phân loại số tiền chưa thu được theo hợp đồng mua, bán nợ như là khoản nợ
chưa bán.
Đối với khoản
nợ đã mua, tại thời điểm mua nợ ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng mua
nợ phân loại số tiền mua nợ đã thanh toán vào nhóm nợ có mức độ rủi ro không
thấp hơn nhóm nợ mà khoản nợ đó đã được phân loại tại thời điểm phân loại nợ
gần nhất trước khi mua và tiếp tục thực hiện phân loại số tiền mua nợ như khoản
nợ tại chính ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo quy định.
Đối với số
tiền mua, ủy thác cho tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài) mua trái phiếu chưa niêm yết, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi
ngân hàng phân loại số tiền mua trái phiếu như là một khoản cho vay đối với bên
phát hành trái phiếu; trường hợp trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm thì phân
loại như là một khoản cho vay có bảo đảm đối với bên phát hành trái phiếu.
Đối với số
tiền mua, ủy thác cho tổ chức khác mua trái phiếu chưa niêm yết được kéo dài kỳ
hạn trái phiếu theo quy định của pháp luật thì được phân loại như một khoản cho
vay được gia hạn nợ.
Nguồn: thoibaonganhang.vn