Doanh nghiệp ngành gỗ nhiều thuận lợi

Cụ thể là việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo lợi thế lớn khi thuế suất về 0% cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thêm nhiều thuận lợi, tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn của thế giới trong 10 – 15 năm tới. Ngoài ra, khi thực thi CPTPP, ngành gỗ Việt Nam có cơ hội ngay lập tức tiếp cận sâu rộng vào các thị trường mới như Canada, Peru và Mexico.

Tuy nhiên, các nước trong CPTPP lại rất mạnh về lâm nghiệp, từ quản lý, đến công nghệ sản xuất chế biến gỗ chuyên nghiệp, trang thiết bị sản xuất hiện đại… Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tăng năng lực để cạnh tranh.

Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản… là những thị trường yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, nhưng nhu cầu nhập khẩu cũng lớn (riêng EU nhập khẩu đến 90 tỷ USD/năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU chưa đến 800 triệu USD/năm).

Hiện nay EU là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, vì vậy hai bên luôn muốn đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ khi vào thị trường này, và việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được xúc tiến sớm cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, để ngành xuất khẩu gỗ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, việc nhiều tập đoàn sản xuất chế biến gỗ của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… thậm chí cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dịch chuyển nhà máy sản xuất đồ gỗ về Việt Nam để bán sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ, đã góp phần thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (hơn 9 tỷ USD trong năm 2018, đứng thứ 5 trên thế giới và chiếm 7% thị phần đồ gỗ thế giới).

Về phía doanh nghiệp Việt, trước những cơ hội mới cũng đang có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn gốc nguyên liệu (đầu tư trồng rừng), để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.

Hiện nay, cả nước có trên 4.000 doanh nghiệp ngành gỗ, 340 làng nghề, sử dụng hàng triệu lao động với năng lực chế biến xuất khẩu lên tới 25 triệu mét khối gỗ/năm. Nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp sẽ là điều kiện cần, là nền tảng cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khẳng định thương hiệu tại thị trường EU cũng như nhiều thị trường mới khác trên thế giới.

Nhận định về thị trường xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, nhiều thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam sẽ vẫn giữ tốc độ tăng sản lượng nhập khẩu trong năm 2019. Cụ thể như thị trường Hoa Kỳ dự báo sẽ tăng nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam đến 20% so với năm 2018, thị trường Nhật Bản tăng trên 12%. Riêng thị trường Hàn Quốc trong năm 2018 đã tăng nhập khẩu đến 41%, cho thấy sản phẩm gỗ Việt Nam đã đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân nước này.

Từ năm 2019, ngành gỗ còn nhận được những tín hiệu tích cực từ Canada, là một trong những thị trường lớn và quan trọng mà hiện thị phần của hàng Việt Nam còn quá ít. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp Canada muốn chuyển một số nhà máy cũng như đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Canada giảm nhập đồ gỗ từ cả 2 thị trường quan trọng là Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng lại tăng nhập từ Việt Nam với tốc độ lên tới 21% trong năm 2018 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2019./.

Nguồn: Theo Thanh Thanh (thoibaonganhang.vn)