Cháy rừng lớn tại miền Trung: Cần chủ động phòng ngừa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 ngày từ 26 - 30/6/2019, khu vực miền Trung xảy ra gần một trăm điểm phát cháy, gây thiệt hại hàng trăm hecta rừng. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài suốt nhiều tuần qua, kết hợp với ảnh hưởng giao Lào, các tỉnh khu vực miền Trung đang có nguy cơ cháy rừng rất cao.

Do nắng nóng kéo dài suốt nhiều tuần qua, kết hợp với ảnh hưởng giao Lào, các tỉnh khu vực miền Trung đang có nguy cơ cháy rừng rất cao

Hàng hecta rừng bị thiêu trụi

Nghiêm trọng nhất là các vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh, diễn ra trên diện rộng, mức độ tàn phá khủng khiếp, kéo dài trong suốt 3 ngày qua và mới chỉ vừa được các đơn vị chức năng và người dân khống chế. Theo thông tin từ thực địa, ngọn lửa kinh hoàng thiêu trụi hàng trăm hecta rừng ở các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên.

Bùng phát trưa 28/6/2019, tại khu vực núi Bụt, xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), trong điều kiện nắng nóng gay gắt, cộng thêm lớp thực bì dày, gió thổi mạnh nên phải đến 16h30 cùng ngày thì đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Tiếp đó, chiều 28/6/2019, khu vực rừng thông tiểu khu 92A, thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) tiếp tục xảy ra cháy lớn. Ngọn lửa lan nhanh sang các khu rừng thuộc tổ dân phố 2, 3 thị trấn Xuân An.

Do ngọn lửa quá lớn và gió thổi mạnh nên lực lượng tham gia chữa cháy phải di chuyển về phía Bắc để phát quang mở rộng đường băng cản lửa, ngăn chặn không cho đám cháy lan rộng. Có khoảng 1.000 người thuộc các lực lượng vừa tích cực tham gia chữa cháy, vừa hỗ trợ các hộ dân thị trấn Xuân An di dời tài sản. Tuy nhiên, vụ cháy càng lúc càng trở nên phức tạp, khó lường.

Ngoài việc huy động các phương tiện tại địa phương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ thêm 5 phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu. Có những thời điểm đám cháy đã áp sát nhà nhiều hộ dân. Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng chức năng cơ bản đã khống chế được ngọn lửa.

Song, rạng sáng 29/6/2019, vụ cháy rừng tại thị trấn Xuân An bùng phát trở lại rồi nhanh chóng lan rộng uy hiếp nhà dân. Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, lực lượng chức năng chưa kịp nghỉ sức lại gồng mình chữa cháy. Do đám cháy mỗi lúc diễn biến phức tạp, tiến gần sát khu dân cư nên chính quyền huyện Nghi Xuân phải lên phương án và tổ chức di dời hàng trăm hộ dân...

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, người trực tiếp chỉ huy lực lượng quân sự Hà Tĩnh chữa cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, trong những ngày nắng nóng vừa qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 69 vụ cháy rừng. Đặc biệt, từ 28 đến 30/6/2019, trên địa bàn xảy ra 38 vụ cháy rừng. Riêng ngày 30/6/2019 diễn ra cháy trên địa bàn 5 huyện.

Đặc biệt, có 3 khu vực cháy nghiêm trọng, đó là thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân), xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) và xã Sơn Lễ (huyện Hương Sơn). Tổng thiệt hại tạm thống kê đến chiều 30/6/2019, gần 200 hecta rừng, riêng tại khu vực dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân thiệt hại 66 hecta. Có thể nói đây là vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Tĩnh, với quy mô lan ra nhiều địa phương.

Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc chữa cháy

Cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Trước nguy cơ cháy rừng cao, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Nhất là những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn.

Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng cao nhất dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.

Xây dựng các phương án ứng phó và chủ động, sẵn sàng thực hiện sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, nổ; chỉ đạo tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì dưới mọi hình thức.

Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tốt để chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, ứng cứu kịp thời, nhanh nhất các tình huống khẩn cấp. Tích cực phối hợp để hỗ trợ ứng cứu trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng.

Không riêng Hà Tĩnh, thời gian qua, tại khu vực miền Trung từ Thanh Hoá tới Phú Yên đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường kéo dài liên lục, không có mưa, độ ẩm thấp, nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37 - 39 độ C, có nhiều nơi trên 40 độ C, kèm theo gió Lào khô nóng thổi mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Do vậy, nhiều nơi đã xảy ra các vụ cháy rừng, cháy thảm cỏ, thực bì, cây bụi.

Thời tiết cực đoan đã dẫn đến cháy rừng tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra cháy rừng như, Nghệ An 4 vụ, Hà Tĩnh 3 vụ, Quảng Trị 1 vụ, Thừa Thiên Huế 3 vụ, Đà Nẵng 1 vụ và Phú Yên 2 vụ. Nhiều vụ cháy đã được khống chế nhưng sau đó bùng phát trở lại và kéo dài trong nhiều ngày.

Khi xảy ra các vụ cháy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ngay 6 tổ công tác tại các tỉnh miền Trung để hỗ trợ các địa phương trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các địa phương tổ chức huy động hơn 6.000 lượt người tham gia chữa cháy gồm kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân địa phương. Các vụ huy động lực lượng, phương tiện lớn như: vụ cháy tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh huy động gần 1.000 lượt người, 11 xe cứu hoả tham gia chữa cháy; vụ cháy tại Hương Sơn, Hà Tĩnh huy động khoảng 500 người và xe cứu hoả…

Thị sát và chỉ đạo chữa cháy rừng Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi các lực lượng có mặt tại hiện trường cháy rừng Nghi Xuân. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng cứu kịp thời của Hà Tĩnh. Trong đó, có sự nỗ lực cao của các lực lượng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền và sự phối hợp tác chiến của lực lượng Quân khu 4

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, các lực lượng phải cắt trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó các diễn biến mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Hà Tĩnh bám sát công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cháy rừng và cháy nổ tại khu dân cư; các lực lượng cần thực hiện phương án vừa ứng cứu tại chỗ, vừa có thể bổ sung, chi viện cho các điểm khác.

Đồng thời, phải rà soát lại những điểm đã được khống chế, tiếp tục xử lý những đám cháy còn tiềm ẩn; luôn luôn giữ liên lạc, đảm bảo an toàn cao nhất cho các lực lượng tham gia và người dân sống sát chân núi nơi có xảy ra cháy. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, đa dạng các kênh thông tin chuyển đến người dân, trong thời tiết nhạy cảm cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không được đốt rác, thực bì tùy tiện, gây ra các nguy cơ cao cháy rừng trở lại.

Một số hình ảnh các lực lượng chức năng nỗ lực cứu rừng

Nguồn: Chí Thiện - CTV (Thời báo ngân hàng)