Đổi mới hệ động lực để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn

Đã thoát tình trạng “mất động lực tăng trưởng”

Theo ông, đâu là kết quả ấn tượng nhất, tạo dấu ấn nhất trong thời gian qua?

Nhìn tổng thể hơn 30 năm đổi mới vừa qua, thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta là rất tích cực. Quan trọng nhất là việc thay đổi phương thức phát triển - từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) - mở cửa, tạo ra một động lực phát triển mới mạnh mẽ, giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng “mất động lực tăng trưởng” kéo dài nhiều năm trước.

Việc thay đổi phương thức phát triển, chấp nhận cơ chế thị trường, chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng và phát triển mới đã mang lại nhiều kết quả ngoạn mục: xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, dịch chuyển cơ cấu ngành…

Tuy nhiên khi nhìn sâu vào thực chất phát triển, đặc biệt là một số chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng - phát triển có thể dễ dàng nhận thấy nền kinh tế hiện nay đang chứa đựng hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.

Vậy những vấn đề nghiêm trọng đó là gì?               

Đó là tăng trưởng không vững chắc và xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng. Các điểm tắc nghẽn trong tăng trưởng và phát triển chậm được tháo gỡ. Chất lượng và đẳng cấp phát triển kinh tế chậm thay đổi, thực lực DN Việt Nam yếu… Mức độ nghiêm trọng còn rõ ràng hơn khi xem xét “tính có vấn đề” của thực lực DN Việt Nam từ góc độ cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thực trạng cơ bản đó cho thấy, các thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế được coi là ngoạn mục trong giai đoạn vừa qua cơ bản gắn với việc khai thác các nguồn lực sẵn có (nguồn lực “tĩnh”) và theo cách “tận khai” truyền thống chứ ít dựa vào những thay đổi cơ cấu. Trong khi đó, tình trạng “có vấn đề” của sự phát triển lại bắt nguồn từ chỗ các động lực phát triển (nguồn lực “động”) của nền kinh tế không được phát huy, thậm chí bị suy giảm nhanh và liên tục.

Biểu hiện là nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1991-2018 qua từng nhịp 10 năm thì sau nhịp 10 năm đầu tiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nhịp 10 năm thứ hai giảm 0,8% và của nhịp 10 năm thứ ba giảm 0,6%. Nguyên nhân của tình trạng này không thể giải thích bằng tác động bên ngoài, hay ở các nguyên nhân ngẫu nhiên, ngắn hạn.

Xu thế suy giảm tốc độ tăng trưởng liên tục trong dài hạn gợi lên nguyên nhân thuộc về thể chế và cơ cấu nội tại của nền kinh tế chứ không phải chỉ là do những sai sót chính sách nhất thời hay những yếu kém riêng lẻ nào đó của bộ máy điều hành.

Muốn phát triển kinh tế thị trường nhưng lại kìm hãm các thị trường

Biểu hiện của tính “không vững chắc, có vấn đề về cấu trúc” như thế nào, thưa ông?

Có thể nhìn thấy điều này qua ba điểm nghẽn lớn về thể chế.

Thứ nhất là quá trình phát triển KTTT. Đã gọi là KTTT thì mức độ phát triển và hoàn thiện của các thị trường (thị trường đầu vào - đầu ra) phải ngày càng đồng bộ và ngày càng cao hơn. Nhưng về bản chất thì hiện nay, các thị trường của chúng ta là chưa phát triển. Chúng ta muốn phát triển KTTT nhưng lại rất kìm hãm các thị trường, đặc biệt là các thị trường đầu vào như thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường tài sản… cũng còn rất nhiều vấn đề và còn bị trói buộc, vẫn tiếp tục cơ chế “xin - cho”, phân phối bình quân…

Việc kiềm chế, trì hoãn phát triển các thị trường cũng giải thích tại sao công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng trong 10 năm gần đây hầu như “dẫm chân tại chỗ”, bất chấp nỗ lực to lớn của Nhà nước và của cả nền kinh tế. 

Thứ hai, các lực lượng thị trường không phát triển. Tất nhiên trong nền kinh tế chuyển đổi hiện nay thì phải có nhiều thành phần, nhưng chúng ta cần chú trọng, khuyến khích phát triển những thành phần nào? Những thành phần mà đáng lẽ phải cải biến họ thành thị trường thì chúng ta cứ ôm lấy, đó là các DNNN. Còn các thành phần kinh tế hộ gia đình thì làm sao phải tạo các cơ hội chính sách cho họ vươn lên thì chúng ta chưa làm được gì nhiều.

Các lực lượng thị trường của chúng ta hiện nay – theo nghĩa là lực lượng thị trường chủ đạo - là DN khu vực tư nhân hiện cực kỳ yếu kém. Trong khi đó lại chú trọng đến lực lượng tư nhân nước ngoài. Cái đó không phải sai gì cả nhưng bởi vì chúng ta thiên lệch cho lực lượng này quá mức cho nên “làm hỏng” cấu trúc thị trường của chúng ta.

Thứ ba, là về hệ thống chính sách Nhà nước với vô số điểm nghẽn hiện nay liên quan đến yếu tố này. Các cải cách thị trường không phải lúc nào cũng được tiến hành song song với cải cách cấu trúc Nhà nước. Mãi gần đây chúng ta mới chuyển sang được khái niệm Nhà nước kiến tạo, phát triển mà nội hàm của nó được nói rằng là để phục vụ thị trường, phục vụ DN.

Tôi cho rằng, ba yếu tố trên chính là những điểm nghẽn về cấu trúc, nghẽn về hệ thống và phải tháo gỡ được thì may ra những cái khác mới có cơ để thay đổi được.

Và trong khi chúng ta chưa tháo gỡ, thoát khỏi những vấn đề của chính chúng ta như thế thì hiện nay lại phải đương đầu với nền kinh tế số, công nghệ cao – một hệ thống kinh tế số đòi hỏi phải chuyển đổi rất nhanh, với những nền tảng cấu trúc khác hẳn, nguyên lý vận hành khác, chủ thể khác và năng lực cũng khác.

Vậy thì chúng ta cần những động lực gì cho quá trình này?

Động lực là yếu tố rất phải quan tâm. Bởi nếu chỉ dừng lại ở tháo gỡ những cái cũ mà chúng ta đang vướng mắc, thì tái cơ cấu xong nền kinh tế lại gặp khó khăn ngay vì không đương đầu được với những đòi hỏi chuyển sang nền kinh tế số hiện đại, nơi yếu tố đổi mới – sáng tạo đóng vai trò là động lực phát triển mạnh nhất và có tiềm năng vô tận trong giai đoạn tới.

Và trong bối cảnh đó, theo ông cần có các giải pháp chính sách lớn nào?

Trong 2-3 năm vừa qua, chúng ta đã có 2 thay đổi quan trọng: Thứ nhất, coi khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng; Thứ hai, từ Nhà nước thông thường chuyển sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Việc xác định yếu tố này là đúng, và phải song hành như thế. Chỉ có điều là quá trình để thực thi hai thay đổi này trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó khăn.

Nhưng trên đà ấy, đây là hai yếu tố sẽ giúp tháo cởi và cần phải tiếp tục được hiện thực hóa để thoát ra khỏi “vòng kim cô” phát triển. Và từ thay đổi cấu trúc đó thì chúng ta mới có cơ để phát triển được các thị trường. Phải bắt đầu cải cách từ trong chính hệ thống nhà nước để phát triển và tạo cơ hội cho các thị trường phát triển.

Cùng với đó, tôi cho rằng Việt Nam phải tiến tới coi chiến lược phát triển KHCN là chiến lược trục của toàn bộ chiến lược phát triển KTXH. Còn hiện nay chiến lược KHCN chỉ cũng như là một chiến lược ngành, thậm chí là ngành kém nhất, yếu nhất thì không được. Khi coi chiến lược phát triển KHCN là chiến lược trục như thế thì tất cả những thiết kế, những dự án đầu tư phát triển đều phải bám sát chiến lược này về mặt dài hạn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Đỗ Lê (thoibaonganhang.vn)