Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2019 đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều sản phẩm có khối lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ nhưng do giá xuất khẩu một số sản phẩm giảm sâu nên kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ.

Trong khi giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đạt khoảng 18 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại nông, lâm, thủy sản 7 tháng đạt gần 5 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bộ vẫn dự báo xuất khẩu nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó có thể đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.

Thực tế là trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Không chỉ công nghệ sinh học mà cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ 2008 - 2018, ngành Nông nghiệp đã đầu tư 870 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học phát triển giống cây trồng, vật nuôi và chế biến bảo quản sau thu hoạch... Tính đến nay, khoa học công nghệ đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi với giá trị gia tăng đạt 38%. Đơn cử, 80% giống lúa gieo cấy là giống chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha; toàn bộ giống cây cà phê đều được sản xuất trong nước, năng suất đạt gần 3,5 tấn/ha…

Song, qua rà soát, đánh giá tổng thể thì thấy hiện nhiều viện, trường trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn, thậm chí gần như bế tắc trong hoạt động nghiên cứu. Hệ lụy là không giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học giỏi; Sản phẩm khoa học công nghệ ở trình độ thấp, nhất là công nghệ trong bảo quản, chế biến còn yếu, nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao; Kinh phí dành cho khoa học công nghệ còn thấp so với yêu cầu, thiếu liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với tổ chức chuyển giao...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, khoa học và công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lên tầm cao mới, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo động lực mới trong phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đề ra những phương hướng để tiếp tục đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, trình Chính phủ bổ sung một số sản phẩm chủ lực của ngành vào danh mục sản phẩm quốc gia; xây dựng Đề án công nghiệp sinh học.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực tương xứng để triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, vi sinh, enzyme-Protein, nano sinh học… trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, chế phẩm sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tất cả sẽ tạo bước phát triển mới trong hoạt động khoa học công nghệ ngành nông nghiệp trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, xây dựng quản trị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Nguồn: Thành Trung (thoibaonganhang.vn)