Để thúc đẩy nông nghiệp sạch

Từ nhiều năm trước, việc nông dân sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa không chỉ làm cho đất bị thoái hóa, chai hóa trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông sản, mà còn gây tác động không nhỏ tới sức khỏe con người cũng như môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, hiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu, xuất khẩu nông sản tới 185 quốc gia như EU, Mỹ, Nhật Bản Hàn Quốc… là những thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn thực phẩm (Codex). Vì thế, tất yếu, Việt Nam phải chuyển đổi sang một nền nông nghiệp sản xuất sạch, theo xu thế nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân, cùng phối hợp thực hiện sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích cho người nông dân.

Để định hình nên một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô. Trong đó, phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học giữ vai trò then chốt.

Vì vậy, trong thời gian tới, đây cũng  là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Sau 2 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng sản xuất hữu cơ, cụ thể là ứng dụng phân hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta đã cơ bản chuyển đổi được nhận thức của xã hội. Toàn quốc đã có 50 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố đã sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất, từ quy mô hộ sản xuất, hợp tác xã đến quy mô doanh nghiệp, trong đó, 60 doanh nghiệp có quy mô lớn. Đặc biệt, đã có sự chuyển hướng đáng kể trong tư duy, nhận thức và xu hướng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp dùng phân bón hữu cơ nhìn chung vẫn còn rất nhỏ so với phân bón vô cơ (11,6% so với 86,9%).

Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với các địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong biển, tảo biển...).

Nhờ sự ủng hộ tích cực của nông dân, doanh nghiệp, chỉ trong gần 2 năm triển khai, công suất sản xuất phân bón hữu cơ đã tăng gấp 1,5 lần. Phân bón hữu cơ Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khối lượng xuất khẩu cũng như doanh nghiệp tham gia xuất khẩu liên tục tăng mạnh.

Việt Nam có nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những phế phụ phẩm trong nông nghiệp lớn, hàng năm thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân gia súc, gia cầm; 4,6 triệu tấn trấu; hơn 2,3 triệu tấn cám… Đồng thời, còn có nhiều than bùn. Đây chính là “mỏ” nguyên liệu phục vụ cho công tác sản xuất phân hữu cơ dồi dào mà Việt Nam cần tận dụng triệt để. Mặt khác, giải quyết tốt nguồn phế thải trên lại góp phần rất lớn làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, dần hình thành một nền kinh tế tuần hoàn.

Xác định rõ vai trò của phân hữu cơ trong nền nông nghiệp xanh, vì vậy công tác quản lý Nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Chính sách về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực từ 1/2/2020); các tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện. Trong thời gian tới, chúng ta cần tạo những cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Nguồn: Hữu An (thoibaonganhang.vn)