Hoàn thiện hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp

Các start up cần vươn lên, nỗ lực khẳng định mình, tận dụng hệ sinh thái đang có hiện nay.

Trong một báo cáo mới đây, công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures của Singapore cho biết, chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã vươn lên từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động, đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đặc biệt, qua những số liệu thống kê, có thể thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã tăng kỷ lục trong năm nay. Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các công ty công nghệ lớn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vào Việt Nam, bao gồm Google (điện thoại thông minh Pixel) , Apple (AirPods) và Nintendo (Switch).


Ảnh minh họa

Các startup Việt dự kiến sẽ huy động được khoảng 800 triệu USD trong năm 2019. Đặc biệt, lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2019.

Có thể thấy rằng, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang lớn mạnh và phát triển với tốc độ rất nhanh. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì đến nay con số này đã lên tới 3.000 doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú tại Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tích cực ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Tiêu biểu như Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng… Cụ thể, Nghị định mới nêu rõ sẽ miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Mới đây UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025”. Theo đó, đặc biệt khuyến khích hình thành từ 3 đến 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân; thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; Phấn đấu đến hết năm 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó, ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)- ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Dự kiến, đến năm 2025, Đề án 844 (ISEV) dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bà Trần Quỳnh Hương, Nhà sáng lập CEVB, một Venture Builder đang hoạt động tại Anh chia sẻ, các dự án khởi nghiệp thường thiếu vốn, không có thị trường, không biết phát triển sản phẩm thế nào cũng như không thể tìm được đường đi cho các dự án của mình ra thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ những dự án này về đào tạo thuyết trình, thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài thế nào, giúp các nhà khởi nghiệp hiểu được văn hóa làm việc của các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển hiệu quả những dự án tốt. Chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống hỗ trợ theo mô hình venture builder. Mô hình này như một hub khởi nghiệp chuyên về công nghệ từ bắc vào nam nhằm kết nối các tổ hợp công nghệ thế giới, nhà đầu tư về đây để cùng giao lưu, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thu hút những dự án tốt, những nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với Terato, Vistartup... phát động cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng trong hệ sinh thái 4.0-Startup 4.0 Ecosystem" dành cho thanh niên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trong và ngoài nước, các cá nhân, tổ chức nước ngoài đang có dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Trần Hiếu, sáng lập cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cho rằng: Hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh về số lượng các thành phần trong hệ sinh thái như: ý tưởng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp, cố vấn khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp... Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn thấy rằng hiện tại hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái, mối liên kết vẫn còn rời rạc dẫn tới hiệu quả hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa cao. Trong thời gian tới, hệ sinh thái này sẽ đi theo hướng chất lượng kết nối và hỗ trợ sâu cho khởi nghiệp, dần hình thành các hệ sinh thái nhỏ trong hệ sinh thái lớn của quốc gia.

Ông Hiếu cũng cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ từ nhiều phía, quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng, nỗ lực từ chính bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp. Các start up cần vươn lên, nỗ lực khẳng định mình, tận dụng hệ sinh thái đang có hiện nay. Đa phần các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đều đi lên từ nghề vì thế, còn gặp nhiều khó khăn về vốn, các kỹ năng quản lý dòng tiền, kỹ năng gọi vốn, và về chiến lược marketing, chiến lược bán hàng... Vì thế các doanh nghiệp khởi nghiệp cần khắc phục điểm yếu này nếu muốn thành công trong tương lai - ông Hiếu cho biết.

Nguồn: Quỳnh Trang (Thời báo ngân hàng)