Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của du lịch cộng đồng

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn. Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên như: sông, hồ, suối ghềnh thác, đầm phá tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử…

DLCĐ ở Huế bắt đầu hình thành vào đầu những năm 2000, tại một số địa bàn như ở Thôn Dỗi (Nam Đông), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy). Qua gần 20 năm, nhiều điểm đến mới về DLCĐ được hình thành, như ở Thủy Biều (TP. Huế), Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền), Gành Lăng (Phú Lộc)...

Tuy nhiên, sự phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, nhận thức về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của người dân còn chưa cao…

Lượng khách khi đến Huế tham gia DLCĐ còn khá khiêm tốn. Theo thống kê từ ngành du lịch, riêng trong năm 2018, tổng số khách đến Huế là hơn 4,3 triệu lượt nhưng chỉ có khoảng 300.000 lượt khách đi DLCĐ, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Do đó, nhiều điểm DLCĐ hoạt động khó khăn và cầm chừng.

Hạ tầng phục vụ du lịch được cho là tồn tại lớn nhất. Tại các điểm DLCĐ hiện nay, giao thông tiếp cận còn khó khăn, hầu hết chưa có bãi đỗ xe hoặc các bãi đỗ xe tạm bợ, hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đảm bảo để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú dạng homestay phục vụ khách du lịch trên địa bàn các huyện, thị xã còn hạn chế về số lượng, chất lượng chưa cao, hoạt động mang tính tự phát. Một số dịch vụ du lịch gắn với DLCĐ, như trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống… chưa được đầu tư để khai thác. Điều này khiến du khách khá nhàm chán khi đến các điểm DLCĐ. Một số nơi có khai thác thêm các dịch vụ nhưng còn manh mún, thiếu chất lượng, kéo theo thời gian lưu lại ngắn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kết nối để cung ứng dịch vụ chưa có.

Để khắc phục những khó khăn trên, rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm phát triển mô hình du lịch này trên địa bàn toàn tỉnh.

Hỗ trợ gần 31 tỷ đồng cho phát triển du lịch cộng đồng

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại 14 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với tổng kinh phí là 30.855 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo 70%; ngân sách huyện, thị xã, thành phố Huế và xã hội hóa đảm bảo 30%.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết

Theo Nghị quyết đã được thông qua thì nhiều nội dung, hạng mục sẽ được hỗ trợ cụ thể như sau: Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nối từ các trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 2 tỷ đồng/1điểm du lịch. Hỗ trợ xây dựng đường nội bộ tại điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 1,5 tỷ đồng/1 điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư một bãi đỗ xe với diện tích tối thiểu 200m2, có mái che một phần dành cho khách nghỉ khi dừng và chờ trước khi bước lên và xuống xe; mức hỗ trợ đầu tư mới không quá 200 triệu đồng/1 điểm du lịch, mức hỗ trợ đầu tư nâng cấp không quá 50 triệu đồng/1 điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư một nhà đón tiếp với diện tích tối thiểu 100m2, mức hỗ trợ đầu tư mới không quá 400 triệu đồng/1 điểm du lịch, mức hỗ trợ đầu tư nâng cấp không quá 100 triệu đồng/1 điểm du lịch.   Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư một nhà vệ sinh công cộng với diện tích tối thiểu 30m2; mức hỗ trợ xây dựng mới không quá 100 triệu đồng, mức hỗ trợ nâng cấp không quá 25 triệu đồng. Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ xây dựng một bảng chỉ dẫn, thuyết minh điểm đến để khách du lịch thuận tiện trong việc đi lại, tìm hiểu thông tin điểm đến; mức hỗ trợ tối đa cho bảng chỉ dẫn, thuyết minh không quá 50 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng; mức hỗ trợ xây dựng mới không quá 30 triệu đồng cho một phòng, tối đa 100 triệu đồng/cơ sở cho ba phòng; mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 15 triệu cho một phòng, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở (có từ 03 phòng trở lên). Hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực, nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái; mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho một  sản phẩm du lịch và không quá 250 triệu đồng/1 điểm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó sẽ có nguồn hỗ trợ để tổ chức các lớp đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng; tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các kỹ năng thuộc lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, vận hành thuyền phục vụ khách, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng...

Với sự quan tâm, hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng động, tin tưởng rằng loại hình du lịch này sẽ ngày càng phát triển tại tỉnh Thừu Thiên Huế, góp phần làm phong phú sản phẩm và hoạt động du lịch trên địa bàn, thu hút khách du lịch đến với Huế ngày một tăng cao./.
 

Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn