Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam (13/10)

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị Lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt doanh nghiệp nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như tiếp nhận những hiến kế,  phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tham dự hội nghị có Bà Tôn Thị Nga, Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh. 

Phát biểu Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất đến các doanh nhân trên địa bàn - những người đã dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức mà mới đây nhất là Đại dịch Covid-19 để cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đang dần phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 09 tháng đầu năm đạt 7%, dự ước tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 9-10%, tăng khoảng 1% sơ với năm ngoái. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục với đà phục hồi mạnh mẽ với khách du lịch 09 tháng đầu năm đạt 2.420 nghìn lượt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch ước đạt 5.414 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 09 tháng đạt 539,7 triệu USD, tăng 31,1%.


Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Văn Phương cho hay, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2022, Thừa Thiên - Huế đứng thứ 6 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ 5 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 về chỉ số chuyển đổi số (DTI) ... Ngoài ra, tỉnh còn là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải kể đến là thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; chính sách hỗ trợ doanh nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày”, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, triển khai Đề án Cố đô khởi nghiệp,...

“UBND tỉnh cũng đã quyết tâm trong việc quyết định thành lập 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các dự án được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm giao mặt bằng đảm bảo cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên thực địa” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành đã được lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận của các doanh nghiệp xoay quanh nội dung nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong công cuộc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; sự đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Toàn tỉnh có 801 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (giảm 22,8% so với cùng kỳ), trong đó số doanh nghiệp thành lập mới 524 doanh nghiệp, (giảm 15,41% so với cùng kỳ); tổng vốn đăng ký 3.626,33 tỷ đồng, giảm 33,7% và số doanh nghiệp hoạt động trở lại 274 doanh nghiệp, giảm 33,82%.


Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tôn Thị Nga tham dự Hội nghị

Trong 9 tháng đầu năm, 15 dự án cấp mới được tỉnh cấp phép với tổng vốn đầu tư đạt 4.430 tỷ đồng (gồm 06 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD tương đương 964 tỷ đồng). Điều chỉnh vốn cho 7 dự án với vốn tăng thêm là 1.533 tỷ đồng. Ngoài ra, có 10 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư 1.888 tỷ đồng.


Năm 2023 cũng đánh dấu việc đi vào khai thác của nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài; khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, thuộc Khu B đô thị mới An Vân Dương (Ecogarden)... Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3...Tập trung đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương...


Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định, các doanh nghiệp, doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế sẽ không đơn độc trong hành trình sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế xã hội của trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và thời gian đến, chính quyền tỉnh nhà vẫn sẽ tiếp tục đồng hành để có nhiều hơn nữa các giải pháp thiết thực hơn, phù hợp hơn hướng đến doanh nghiệp. Chúc các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bứt phá, phát triển vững mạnh, thịnh vượng; triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách của Trung ương cũng như địa phương./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:









Tôn Thất Thành - Phòng Tín dụng - Ủy thác và Nghiên cứu chiến lược