Hội thảo ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng ngày 07/04/2023, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham dự Hội thảo Ứng dụng Chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Hội thảo với mục tiêu là giới thiệu các đề tài đại giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng có khả năng ứng dụng thực tế tới các doanh nghiệp, kết nối các nhà khởi nghiệp với doanh nghiệp để đưa các đề tài đi vào thực tế đời sống, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển sản phẩm giữa Công ty Cổ phần In Thuận Phát và TS Lê Quang Tiến Dũng – Đại học Khoa học Huế đánh dấu được sự kiện quan trọng trong việc kết hợp giữa nghiên cứu và sản xuất sản phẩm.

Giáo sư tiến sĩ Trần Hữu Dàng phát biểu tại Hội thảo

Ký kết biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa công ty Thuận Phát và tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng

Đây là sự kiện thường niên do Liên hiệp hội tổ chức theo chỉ đạo của UBND tỉnh, là một hoạt động quan trọng trong chuỗi hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2022, đã có 229 đề tài, công trình được trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh, 37 đề tài đạt giải cấp quốc gia, hơn 450 giải pháp được trao Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và 23 đề tài đạt giải cấp quốc gia. Ở cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng có hơn 530 đề tài được trao giải cấp tỉnh, 37 đề tài đạt giải cấp quốc gia. Tuy nhiên, so với những kết quả nổi bật tại cuộc thi, vấn đề còn nhiều trăn trở là làm sao để đưa những đề tài đạt giải, tiềm năng lớn đi vào thực tiễn đời sống, tạo được sự kết nối giữa nhà khoa học, nhà khởi nghiệp với các doanh nghiệp, giải pháp ứng dụng các chương trình, chính sách liên quan để thúc đẩy, nhân rộng các giải pháp sáng tạo là điều hội thảo hướng tới.

Tại hội thảo, nhiều tham luận, nhiều ý kiến đóng góp để được đặt ra nhằm tạo ra một bức tranh tổng thế về cách thức những kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng trong thực tiễn sản xuất và điều quan trọng hơn là để sản phẩm nghiên cứu có thể phát triển, tiếp cận thị trường. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh ông Dương Tuấn Anh đã có phần tham luận với chủ đề " Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ sản xuất và đề xuất một số giải pháp thực hiện", tham luận chỉ ra rõ ràng vấn đề hiện tại của các doanh nghiệp là mặc dù sự nghiệp nghiên cứu khoa học cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang phát triển thì công nghệ thực tế mà doanh nghiệp đang sử dụng lại lỗi thời lạc hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa tới những thay đổi chóng mặt mà nếu doanh nghiệp không kịp thích ứng và tận dụng lợi thế công nghệ để tối ưu hóa sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ về khả năng tồn tại.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Đăng Nhật Thái - Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế trình bày tham luận với chủ đề “Đề xuất ứng dụng những Mô-đun Điềm Phùng Thị vào cuộc sống” đã giúp người nghe hiểu rõ hơn về tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị được trưng bày, giới thiệu đến công chúng ở Huế, du khách trong và ngoài nước. Tham luận về “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế” đến từ hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông khẳng định về thương mại điện tử đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để các doanh nghiệp truyền tải thông điệp và bán sản phẩm.

Hội thảo trao đổi các vấn đề ứng dụng công nghệ vào đời sống

Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp, nhà khoa học tỉnh nhà trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp trong quá trình thay đổi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để đưa các đề tài đi vào thực tế đời sống, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Huỳnh Ngọc Hải - Phòng Kế hoạch Thẩm định